Bạn cần biết một vài nét văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc

Đăng bởi Havetco vào lúc 16/05/2017

Hàn Quốc là một đất nước có nên văn hóa đặc biệt, để giúp các bạn du học sinh du học Hàn Quốc có thêm nhiều điểm nhìn về văn hóa của đất nước đã tạo nên “kỳ tích sông Hàn”, chúng tôi sẽ có một loạt viết về văn hóa đặc trưng ở đất nước này.

Các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu nhân loại của Hàn Quốc

Các cụ thường có câu “nhập gia tùy tục”, với các bạn đi du học Hàn Quốc thì cần phải có hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc để có thể sớm hòa nhập với môi trường mới, giúp các bạn tự tin và học tập tốt hơn. Trong bài viết, chúng tôi sẽ giới thiệu về các di sản văn hóa phí vật thể điển hình nhân loại của Hàn Quốc.

JongmyoJerye (nghi lễ cúng tế) và Jongmyo Jeryeak (nhạc tế tông miếu) 

ảnh JongmyoJerye nghi lễ cúng tế và Jongmyo Jeryeak
Đầu tiên, các bạn du học sinh du học Hàn Quốc cần biết về nghĩ lễ cúng tế và nhạc tế tông miếu. Nghi thức tổ tiên hoàng gia (Jongmyo Jerye) là nghi lễ thường niên được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên của tháng 5 để tỏ lòng kính trọng các vị vua và hoàng hậu Joseon đã mất, được dựng bài vị tại Điện thờ Jongmyo (Tông miếu) phản ánh thời kỳ Nho giáo trở thành ý thức hệ quốc gia, hướng con người thực đạo lý, giữ gìn những lễ nghi và trật tự trong xã hội. 
Jongmyo Jeryeak (nhạc tế tông miếu) gồm có ba phần chính là âm nhạc, bài hát và điệu múa. Âm nhạc sử dụng rất nhiều nhạc cụ truyền thống như Taak, Hyonak giúp làm nổi bật vẻ đẹp vừa rực rỡ vừa nghiêm trang của các điệu múa Văn vũ (Munmu) và Võ Vũ (Mumu). 
Jongmyo Jerye (nghi lễ cúng tế) và Jongmyo Jeryeak (nhạc tế tông miếu) là loại hình nghệ thuật truyền thống đa kết hợp, kết hợp giữa âm nhạc và múa, được bảo tồn nguyên vẹn trong suốt 500 năm. 

Hát kể chuyện Pansori 
Pansori là một loại hình hát kể chuyện dân gian có được có người hát sorikkun, người đánh trống gosu và khán giả. Người hát đứng trên sân khấu kể một câu chuyện theo chủ đề và có vần điệu trong tiếng đệm trống của nhạc công cùng những lời cổ vũ của khán giả thỉnh thoảng xen vào giữa bài hát gọi là chuimsae. Hình thức hát kể chuyện pansori phát triển từ thế kỷ 18 và nhận được rất nhiều sự mến mộ của công chúng Hàn Quốc nên dần trở thành một loại hình âm nhạc truyền thống. 

Lễ hội Gangneung Danoje 
ảnh Lễ hội Gangneung Danoje
Là lễ hội truyền thống lâu đời nhất của Hàn Quốc được tổ chức vào dịp Đoan Ngọ hàng năm (5 tháng 5 âm lịch). Vào dịp này hàng năm, lễ hội được tổ chức tại Gangneung, tỉnh Gangwon-do. 
Lễ hội bắt đầu với nghi thức truyền thống cúng thần núi Daegwallyeong và tiếp tục với rất nhiều trò chơi, sự kiện và nghi thức dân gian. Người tham gia lễ hội nguyện cầu xin mùa màng tươi tốt, cuộc sống gia đình, bình an và thịnh vượng và làng xóm hòa hợp, thống nhất. 
Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức nấu rượu dâng thần trước Tết Đoan Ngọ một tháng. Người Hàn Quốc gọi rượu dâng thần là sinju tức “thần tửu”. Tiếp theo, người ta làm giỗ Sơn Thần và thần Thành Hoàng theo nghi thức Nho giáo. Đây là hai vị thần trấn ải đèo Daegwallyeong được coi là cửa ngõ của vùng Gangneung. 
Tiếp sau là rất nhiều sự kiện lễ hội như Múa mặt nạ Gwanno, trình diễn kịch câm của đoàn nghệ sĩ đeo mặt nạ, chơi đu, ssireum (đấu vật Hàn Quốc), biểu diễn âm nhạc truyền thống nông thôn, gội đầu và ăn bánh gạo surichwi. 
Đặc biệt, nghi thức gội đầu dành cho phụ nữ với ý nghĩa đuổi ma quỷ và cầu mong đời sống khỏe mạnh, trường thọ. Người Hàn Quốc cũng tin rằng nếu nấu nước cây thủy xương bồ (changpo) để gội đầu thì tóc cũng sẽ bóng mượt hơn. 
Múa vòng tròn Ganggangsullae 
Múa vòng tròn Ganggangsullae là điệu múa truyền thống kết hợp nhảy theo vòng tròn và các trò chơi dân gian được thực hiện bởi những người phụ nữ miền biển tỉnh Jeollanam-do. Điệu múa này thường được múa vào ngày Tết Trung thu Chuseok hay ngày rằm Daeboreum (Ngày trăng tròn đầu tiên của Năm mới âm lịch). Ngày nay, điệu múa này đã trở thành một loại hình nghệ thuật truyền thống và được biểu diễn trên toàn quốc tại các buổi diễn dân gian. 
Tuy nhiên, màn trình diễn xưa ban đầu bao gồm một vài trò chơi dân gian như Namsaengi nori (Trò chơi của chú hề lêu lổng Namsadang), deokseok mori (Cuộn chiếu rơm) và gosari kkeokgi (hái chồi non dương xỉ). Khi thực hiện điệu múa Ganggangsullae sẽ có một người hát chính và những người khác hát phụ họa theo. Nhịp ban đầu rất chậm chãi, nhẹ nhàng nhưng càng về sau càng nhanh và các nhịp chân, chuyển động múa cũng phải nhanh theo cho phù hợp với nhịp điệu của toàn bài. 

Trò chơi dân gian Namsadang 
Namsadang là một hình thức biểu diễn dân gian của do phường diễn nghệ thuật chủ yếu là nam giới, biểu diễn tại các làng quê và khu chợ. Nội dung buổi diễn rất phong phú với âm nhạc và các điệu nhảy dân gianpungmul nori, đi bộ trên dây jultagi, xoay đĩa daejeop dolligi, kịch mặt nạ gamyeongeuk và múa rối kkokdugaksi noreum. Đây là hình thức biểu diễn nghệ thuật lâu đời nhất của Hàn Quốc do những người nông dân lưu truyền và phát triển trong dân gian. 
Trong các buổi biểu diễn truyền thống, bao giờ cũng xuất hiện các nhạc cụ như trống buk, trống phong yêu janggu, còn có chiêng jing và phèng kkwaenggwari và kèn nabal, kèn bầu taepyeongso. Các nhạc cụ cùng điệu múa sẽ giúp người nông dân xua tan mệt mỏi khi cày ruộng, gieo mạ hay gặt lúa, nhằm nâng cao năng suất lao động và nâng cao tinh thần tập thể, cộng đồng. 

Tế lễ Yeongsanjae (Linh Sơn Trai) 
Tế lễ Yeongsanjae (Linh Sơn Trai) là nghi lễ Phật giáo dành cho người chết được thực hiện vào ngày thứ 49 sau ngày mất của một người để an ủi linh hồn đã chết. Đây là nghi thức được thực hiện từ thời Goryeo (918-1392) để cầu nguyện cho sự phồn thịnh và thái bình của quốc gia, bách tính. 
Yeongsanjae (Linh Sơn Trai) là nghi thức cúng cầu siêu cho hương hồn của người đã khuất, nhưng trên hết, nghi lễ này còn mang ý nghĩa truyền đạt lời dạy của đức Phật Thích Ca tới tất cả các linh hồn phiêu bạt, mọi người và tất cả các sinh vật có trên thế gian này. Giống như loài bướm phải trải qua quá trình thoát khỏi vỏ bọc sâu kén, theo lời của đức Phật thì con người cuối cùng cũng sẽ được giải thoát khỏi bể khổ. Đây không phải là một buổi biểu diễn mà là một nghi thức có sự tham gia của cả cộng đồng để cùng suy ngẫm và chiêm nghiệm về lời dạy của đức Phật. 

Múa lên đồng Yeongdeunggut ở đền Chilmeoridang, đảo Jejudo 
Đây là một hình thức cúng tế cầu thái bình và mùa màng bội thu được thực hiện tại nhiều làng mạc trên đảo Jejudo. Tại đảo Jeju, tháng 2 âm lịch được gọi là tháng Yeongdeung. Yeongdeung là tên của thần gió và ngày Yeongdeung là ngày thần gió hạ giới. Vào thời gian này, bà thần gió Yeongdeung đi thăm các ngôi làng, cánh đồng và sẽ rời đi vào ngày rằm. 

Môn võ Taekkyeon 
Taekkyeon là một trong những môn võ truyền thống lâu đời có từ thời kỳ trước công nguyên và có tên gọi khác là Gakhui (“môn thể thao của chân”) và Bigaksul (“Nghệ thuật chân bay”). Nghĩa gốc của “Taekkyeon” có nghĩa là “đá chân”. Taekkyeon có nguồn gốc lịch sử, đặc điểm võ thuật hoàn toàn khác với môn võ Taekwondo. 
Giống như hấu hết các môn võ thuật không sử dụng vũ khí khác, Taekkyeon tập trung tới nâng cao kỹ năng phòng thủ của bản thân và tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua việc luyện tập những chuyển động cơ thể theo nhịp điệu âm nhạc, đặc biệt tập trung sử dụng bàn chân và chân. 
Phương pháp đấu võ của Taekkyeon khuyến khích tập trung nhiều vào phòng thủ hơn tấn công, đặt một chân lên trước đối phương và sử dụng tay và bàn chân hoặc nhảy lên và đấm vào mặt đối thủ để giành chiến thắng. 

Đi dây Jultagi 

ảnh đi dây Jultagi
Trò chơi dân gian đi bộ trên dây được tổ chức nơi cánh đồng hay địa điểm rộng, kết hợp với hát và múa. Trò đi dây Jultagi thường có một nghệ sĩ hài gwangdae đi thăng bằng trên dây, hát kể chuyện Pansori, biểu diễn mặt nạ và kịch múa rối. Phía dưới có eorit gwangdae (chú hề) đóng vai trò là người đối đáp bằng lời nhận xét hóm hỉnh và hành động hài hước tạo bầu không khí sôi động, vui vẻ. Đi trên dây còn được trình diễn trang trọng tại cung đình để kỷ niệm các dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán hoặc nghênh đón các vị khách đặc biệt như công sứ nước ngoài. Dần dần trò chơi này đã trở về với làng quê hay khu chợ để phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân. Jultagi cũng hay xuất hiện trong ngày mừng thọ hay tiệc sinh nhật của nhà giàu. 
Trong khi đi trên dây ở các quốc gia khác có xu hướng chỉ tập trung vào kỹ thuật đi, thì đi trên dây ở Hàn Quốc lại nhấn mạnh đến bài hát và vở kịch cũng như phản ứng của các khán giả để tạo thành một trò chơi tập thể của cộng đồng.

Nuôi chim ưng 

Những người nuôi chim ưng buộc một dây da quanh cổ chân chim và một thẻ có ghi tên người chủ nuôi và chiếc chuông nhỏ trên đuôi chim. Vai trò của chiếc chuông là để xác định vị trí của chim ưng sau khi chim ưng lao xuống vồ mồi. Truyền thống này của Hàn Quốc được UNESCO liệt kê trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của Nhân loại vào năm 2010 cùng với những di sản được bảo tồn ở 11 quốc gia khác trên toàn thế giới như Cộng hòa Séc, Pháp, Mông cổ, Tây Ban Nha và Siria. 

Arirang 

Arirang là tên của bài hát dân gian tiêu biểu của Hàn Quốc. Có rất nhiều biến thể của bài hát, mặc dù lời điệp khúc có chung từ “arirang” hoặc “arari”. Arirang được hát với nhiều mục đích như động viên công việc đồng áng nặng nhọc của nhà nông, thổ lộ tình cảm với người thương, lời cầu nguyện về cuộc sống bình yên, hạnh phúc hoặc khuấy động bầu không khí vui vẻ, sôi động. 
Một yếu tố giúp Arirang luôn tồn tại trong tim người Hàn Quốc nhiều năm như vậy là do nhịp điệu gần gũi, dễ cảm thụ và ai cũng có thể viết lời trên nền nhạc để làm thành bản nhạc cho chính mình. Homer B. Hulbert (1863-1949), một nhà truyền giáo người Mỹ là người đầu tiên ghi lại bản nhạc và nhắc đến tầm quan trọng của bài hát Arirang. Ông đã giới thiệu Arirang trong bài báo có tiêu đề “Thanh nhạc Hàn Quốc”đăng trên tạp chí Korean Repository, phát hành tháng 2 năm 1896. 
Nội dung giới thiệu về Arirang có đoạn: Airirang là bài hát phổ biến nhất tại Hàn Quốc và có vai trò quan trọng giống như món cơm trên bàn ăn hàng ngày của người Hàn Quốc. Những bài hát khác chỉ là sự mô phỏng lại của Arirang và đi đến đâu trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc ta cũng có thể nghe được bài hát này. 
Có rất nhiều lời hát cũng như biến thể phối nhạc của bài hát Arirang, nội dung các bài hát thường đề cập đến đời sống, tâm tình của người Hàn Quốc như các câu chuyện trong truyền thuyết, văn học dân gian, hát ru, bài hát uống rượu, cuộc sống gia đình, du lịch và tình yêu. 
Lời hát của bài Arirang có thể ví là sự kết hợp của bài đồng dao nước Anh, thơ William Wordsworth và Byron, truyện “Bài hát và câu chuyện của chú Remus” của nhà văn Mỹ Joel Chandler Harris. 

ảnh bài hát Arirang

Văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc còn rất nhiều, tuy nhiên, bài viết này cung cấp các di sản tiểu biểu nhất để các bạn du học Hàn Quốc biết đến.

(Theo Đại sứ quán Hàn Quốc)

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Xin chào
close nav
Danh mục