Những năm gần đây, Đức đối mặt tình trạng thiếu lao động lành nghề. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch thu hút và tuyển dụng nguồn nhân lực từ các nước ngoài Liên hiệp châu Âu (EU).
Tại hội nghị về nguồn nhân lực diễn ra mới đây với sự tham gia của Thủ tướng A.Merkel và đại diện các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn của Đức, các bên đã thông qua một loạt biện pháp, nhằm đưa nền kinh tế hàng đầu châu Âu này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với người lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, Berlin cam kết đẩy nhanh quá trình cấp thị trường để lao động nhanh chóng bắt đầu công việc, cũng như đơn giản hóa các thủ tục công nhận chứng chỉ và bằng cấp nước ngoài.
Một cổng thông tin bằng nhiều ngôn ngữ, nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin toàn diện về cuộc sống cũng như việc làm ở Đức cũng được ra mắt. Với cổng thông tin này, những chuyên gia có trình độ và người lao động có tay nghề cao không chỉ ở Đức mà còn các nước ngoài EU có thể tìm kiếm các vị trí tuyển dụng phù hợp, cũng như các thông tin liên quan về xuất nhập cảnh, xin thị thực và quy trình xin việc ở Đức. Thủ tướng A.Merkel nhấn mạnh, các biện pháp nêu trên thể hiện sự thay đổi của Đức trong cách tuyển dụng lao động nước ngoài, đồng thời bày tỏ tin tưởng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng tốt hơn khi có lao động lành nghề.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay, nhiều ngành nghề ở Đức đang thiếu nhân lực.
Cơ quan Việc làm liên bang Đức (BA) cảnh báo, thị trường lao động Đức “có những dấu hiệu căng thẳng và thiếu hụt rõ ràng” trong các ngành nghề kỹ thuật, cũng như xây dựng và chăm sóc sức khỏe.
Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây do Viện nghiên cứu thị trường lao động và việc làm (IAB) của Đức công bố, trong quý III- 2019, khoảng 1,39 triệu việc làm tại Đức chưa tìm được nhân lực. Theo IAB, tình trạng này là do xu hướng giảm dân số. Với thực trạng già hóa dân số như hiện nay, ước tính lực lượng lao động ở Đức sẽ giảm 30% vào năm 2060, tương đương 16 triệu người.
Thời gian qua, Chính phủ Đức đã triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt
Kể từ năm 2012, tiền trình phê duyệt cấp chứng chỉ hành nghề quốc tế tại Đức được áp dụng nhằm đơn giản hóa thủ tục và giải quyết tình trạng thiếu lao động lành nghề, Bên cạnh đó, năm 2018, một chiếc lược về lực lượng lao động được đưa ra, trong đó tập trung vào 3 nhóm gồm nguồn nhân lực trong nước, tại các nước châu Âu và nước thứ ba.
Ngoài ra, kể từ tháng 03/2020, luật mới về lao động lành nghề di cư của Đức dự kiến sẽ có hiệu lực, theo đó nới lỏng các quy định, tạo điều kiện cho những lao động có tay nghề và trình độ tiếng Đức tốt tìm việc làm ngay cả khi chưa có hợp đồng lao động.
Theo Thủ tướng A.Merkel, Đức đang cố gắng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong nước bằng việc đẩy mạnh đào tạo, cũng như tìm kiếm nhân lực từ các nước láng giềng trong EU.
Hiện tại có khoảng 2,5 triệu người đến từ các quốc gia Eu làm việc tại Đức. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề trong nước tiếp tục tăng cao, Berlin đang hướng đến thị trường tiềm năng tại các khu vực châu Á và Nam Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, việc giải quyết bài toán lao động tay nghề cao là chìa khóa quan trọng để Đức duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Nhân Dân